Lời khuyên cho nhà đầu tư mô hình trung tâm giáo dục kỹ năng sống

Cơ sở, trung tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nở rộ tại Việt Nam.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, đến năm 2019, trên địa bàn thành phố có trên 90 cơ sở, trung tâm dạy kỹ năng sống cho trẻ. Có cầu ắt có cung. Con số đó nói lên nhu cầu ngày càng tăng của phụ huynh muốn cho trẻ tham gia các khoá học bồi dưỡng kỹ năng sống để phát triển một cách toàn diện chứ không chỉ còn tập trung “đầu tư” cho trẻ tham gia các môn học mang tính chất “bắt buộc” như ngoại ngữ,… Giai đoạn từ 2010 đến 2015, các cơ sở giáo dục kỹ năng sống chủ yếu được mở tại các thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế, những năm gần đây, các trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống cũng bắt đầu có dấu hiệu nở rộ tại các tỉnh thành khác trên khắp cả nước.

Thuận lợi, khó khăn khi thành lập và vận hành cơ sở, trung tâm giáo dục kỹ năng sống.

Trước khi Thông tư 04 – Bộ GD-ĐT về quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá được ban hành, các nhà đầu tư lĩnh vực này gặp không ít khó khăn. Chỉ có các cơ sở giáo dục sử dụng chương trình được nhượng quyền từ đối tác nước ngoài phải thực hiện việc thẩm định nội chương trình và xin cấp phép hoạt động với Sở GD & ĐT. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục tự xây dựng chương trình đào tạo hầu như được “buông lỏng”. Điều này gây ra nhiều bất cập từ công tác cấp phép hoạt động cho đến công tác quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại các cơ sở, trung tâm giáo dục kỹ năng sống. Không chỉ các nhà đầu tư trong lĩnh vực này gặp khó khăn mà phụ huynh cũng hoang mang, không biết nên lựa chọn cơ sở giáo dục nào cho an tâm.

Thông tư 04 – Bộ GD-ĐT năm 2014 đã giúp cho việc triển khai hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong và ngoài nhà trường trở lên thuận lợi hơn. Các tổ chức, cá nhân muốn đầu tư vào lĩnh vực này không còn phải làm theo kiểu “mò mẫm” như trước đó. Với việc phải đáp ứng đủ điều kiện thành lập và hoạt động theo quy định từ cơ sở vật chất đến chương trình giáo dục, đội ngũ giáo viên,… nên phụ huynh đã yên tâm hơn khi gửi gắm con em mình theo học tại các cơ sở giáo dục này. Các trường học cũng có nhiều thuận lợi trong công tác triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường khi hợp tác với các cơ sở, trung tâm giáo dục kỹ năng sống được cấp phép theo quy định.

Cùng với sự hiểu biết của phụ huynh về tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống và nhu cầu ngày càng cao của học sinh, các cơ sở, trung tâm giáo dục kỹ năng sống ra đời và hoạt động tương đối thuận lợi. Tuy nhiên vẫn còn không ít cơ sở gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh và công tác chuyên môn.

Nhượng quyền Chương trình giáo dục Kỹ năng sống thành công nhất Việt Nam

Những lưu ý đối với các nhà đầu tư, quản lý mô hình cơ sở, trung tâm giáo dục kỹ năng sống.

Với mục đích giúp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư mô hình trung tâm giáo dục kỹ năng sống có cái nhìn cụ thể hơn về những điều cần lưu ý khi đầu tư vào lĩnh vực này, chúng tôi có buổi trao đổi với Ông Nguyễn Trường Giang (Uỷ viên Thường vụ Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, Giám đốc Trung tâm tư vấn giáo dục EDC, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực đầu tư và quản trị mô hình hệ thống trung tâm giáo dục kỹ năng sống, giáo dục STEM tại Việt Nam).

Ông Nguyễn Trường Giang chia sẻ kinh nghiệm triển khai hệ thống giáo dục kỹ năng sống và STEM trong buổi Hội thảo tại Hà Nội

Theo Ông Nguyễn Trường Giang, kinh nghiệm hợp tác trong hơn 10 năm với các tổ chức giáo dục phát triển kỹ năng sống cho học sinh tại Hoa Kỳ và một số quốc gia có nền giáo dục phát triển khác cho thấy, tại các quốc gia này, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ngay từ độ tuổi mầm non rất được chú trọng. Tại Hoa Kỳ, các tổ chức giáo dục phát triển kỹ năng, giáo dục trải nghiệm ngoài trường học phát triển rất đa dạng, mạnh mẽ và hoạt động rất hiệu quả. Tại Việt Nam, lĩnh vực giáo dục kỹ năng sống cho học sinh mới chỉ phát triển ở giai đoạn đầu và hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong những năm tới. Đây chính là cơ hội cho những tổ chức, cá nhân muốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Cũng theo Ông Nguyễn Trường Giang, để hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực này, các nhà đầu tư và quản lý cần đặc biệt lưy ý một số nội dung sau:

Nắm rõ các thông tư, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực giáo dục kỹ năng sống cho học sinh như: Thông tư 04/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; hướng dẫn triển khai hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình giáo dục phải đáp ứng được cả yêu cầu chuyên môn và nhu cầu thị trường. Một chương trình giáo dục kỹ năng sống hay giáo dục trải nghiệm dù do cơ sở, trung tâm giáo dục tự xây dựng và phát triển hay được nhượng quyền từ đối tác trước tiên phải đảm bảo yếu tố chuyên môn. Thực tế cho thấy, cách tiếp cận để xây dựng chương trình, cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại Hoa Kỳ hay Việt Nam đều rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, bất kỳ một chương trình giáo dục kỹ năng sống nào cũng đều có những đặc điểm chung về mục tiêu giáo dục và phải có những đặc điểm riêng phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ, một chương trình giáo dục kỹ năng sống trước khi đưa vào triển khai tuyển sinh và giảng dạy chính thức tại các cơ sở, trung tâm giáo dục phải được thẩm định chất lượng. Đây là điều kiện quan trọng để đánh giá chất lượng chung của mỗi chương trình, tránh việc muốn xây dựng chương trình kiểu nào cũng được hay copy, sao chép nội dung chương trình khác mà không được phép…

Chương trình giáo dục kỹ năng sống cũng phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Qua thực tế tiếp xúc với hàng ngàn phụ huynh có con trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở, Ông Giang nhận thấy mặc dù có khá nhiều phụ huynh chưa hiểu đúng về vai trò và phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, nhưng cũng có không ít phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống nói chung và các kỹ năng (thế kỷ 21) nói riêng cho con em mình. Những phụ huynh này thường công tác trong lĩnh vực quản lý hoặc đã, đang học tập và làm việc tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển. Chính họ đã đưa ra những ý kiến đóng góp rất xác đáng, giúp cho những người làm nghề linh hoạt hơn trong công tác chuyên môn để có thể xây dựng và phát triển các chương trình, khoá học kỹ năng sống phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Người đầu tư, quản lý mô hình trung tâm giáo dục kỹ năng sống phải có tâm với giáo dục. Rõ ràng, để có thể thành công trong lĩnh vực này, những người tham gia phải có cái đầu tỉnh táo của doanh nhân và cái tâm của một người làm thầy. Hầu hết mọi người đều cho rằng thị trường giáo dục ở Việt Nam rất rộng mở, tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo không phải là một “cuộc chơi ngắn hạn”, nó không dành cho những người có tư tưởng “ăn xổi” hay thích “đốt cháy giai đoạn”. Để có thể phát triển bền vững, nhà đầu tư và quản lý vừa phải thực tế, tỉnh táo vừa phải tâm huyết, say mê với nghề.

Xây dựng mô hình kinh doanh, kế hoạch kinh doanh. Không ít nhà đầu tư, quản lý bắt tay ngay vào hoạt động kinh doanh mà không hề xây dựng mô hình kinh doanh, kế hoạch kinh doanh. Cái đích của các nhà đầu tư là lợi nhuận. Một mô hình kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hợp lý sẽ giúp bạn xác định rõ sản phẩm và dịch vụ tổ chức mình cung cấp, thị trường mục tiêu của tổ chức, xác định các chi phí và dự đoán doanh thu, lợi nhuận.

Công tác tuyển sinh phải được chú trọng và triển khai đúng cách. Công tác tuyển sinh trong mô hình cơ sở, trung tâm giáo dục kỹ năng sống bao gồm công tác truyền thông, marketing, tư vấn (bán hàng) và chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Tổ chức của bạn có một chương trình giáo dục chất lượng mới chỉ đáp ứng điều kiện cần, điều kiện đủ để tổ chức thành công là phải tuyển sinh được. Nói một cách đơn giản: “Bạn tốt thôi chưa đủ, bạn phải làm cho người khác thấy được và tin bạn tốt như thế nào” (Ông Nguyễn Trường Giang). Có thể nói, sự thành công hay thất bại của công tác tuyển sinh quyết định sự thành công hay thất bại của tổ chức giáo dục kỹ năng sống. Tuyển sinh trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục kỹ năng sống nói riêng nếu không đúng cách sẽ không mang lại hiệu quả, gây thất thoát chi phí và có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng khác. Một trong những bí quyết trong công tác tuyển sinh lĩnh vực giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trước tiên là phải làm cho khách hàng (phụ huynh) hiểu đúng vai trò, tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống. Một khi phụ huynh đã hiểu đúng, việc giới thiệu chương trình học, khoá học phù hợp cho trẻ mới mang lại hiệu quả. Đặc biệt, nhà quản lý phải luôn chú trọng công tác chăm sóc khách hàng (sau bán hàng). “Nếu quản lý trung tâm cho rằng, chốt tư vấn và làm thủ tục nhập học xong là đủ thì đây sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Khi phụ huynh tin tưởng bạn và đăng ký cho con học tại trung tâm của bạn, đó chỉ là khởi đầu của một mối quan hệ lâu dài. Nếu bạn luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến của phụ huynh, họ sẽ tiếp tục ủng hộ và trở thành cầu nối giữa trung tâm với các “khách hàng tiềm năng” khác. Thậm chí, nếu trung tâm có mối quan hệ “đủ tốt” với phụ huynh, họ cũng dễ dàng bỏ qua lỗi lầm mà bạn vô ý mắc phải”. (Theo Ông Nguyễn Trường Giang).

Chú trọng đào tạo, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy trình vận hành. Một cơ sở, trung tâm giáo dục kỹ năng sống giống như bất kỳ tổ chức hay doanh nghiệp nào khác, cần phải có một quy trình vận hành. Môi trường giáo dục là môi trường khắt khe, nơi mà bất kỳ hành động, cử chỉ, lời ăn tiếng nói nào không đúng mực cũng sẽ mang lại cái nhìn tiêu cực và ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức. Trong xây dựng và ban hành quy trình vận hành tại trung tâm giáo dục kỹ năng sống cần chú trọng tính thực tiễn, hiệu quả, tránh các quy định rườm rà, màu mè. Đặc biệt công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện quy trình phải được thực hiện nghiêm túc.

Cuối cùng, để tối ưu hoá nguồn lực, nhà đầu tư và quản lý nên cân nhắc việc triển khai tích hợp mô hình giáo dục kỹ năng sống cùng với các mô hình giáo dục STEM, đào tạo ngoại ngữ tại cùng một địa điểm. Đối với các nhà đầu tư các mô hình giáo dục ngoài trường học, một trong những vấn đề gây đau đầu nhất đó là làm sao có thể tối ưu hoá việc sử dụng nguồn lực, đặc biệt là cơ sở vật chất. Lấy VD, một trung tâm ngoại ngữ thường chủ yếu tuyển sinh và mở lớp tốt vào các khung giờ ngày cuối tuần, trong khi đó khung giờ các ngày trong tuần để thường trống. Việc tích hợp tuyển sinh giảng dạy các chương trình kỹ năng sống, STEM, ngoại ngữ, bán trú hè… là một giải pháp tốt bởi yêu cầu về cơ sở vật chất của các chương trình này tương đối giống nhau. Tương tự như vậy, một trường mầm non hay tiểu học hoàn toàn có thể kết hợp giảng dạy chương trình kỹ năng sống vào cuối tuần không chỉ cho học sinh đang theo học tại trường mà cả học sinh các trường khác. Điều cần lưu ý ở đây là mỗi một chương trình giáo dục cần có người quản lý chuyên môn và đội ngũ chuyên môn riêng, tránh việc tận dụng kiêm nhiệm vai trò khi nhân sự không đủ năng lực và trình độ.

Theo Trung tâm tư vấn giáo dục (edc.edu.vn)

Để được tư vấn kinh nghiệm triển khai, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư mô hình trung tâm giáo dục kỹ năng sống, giáo dục STEM, giáo dục trải nghiệm liên hệ:

Hotline: 097 921 9358 (Ms Phương Thảo)

Email: contact@docom.edu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *